Tiếp nối các hoạt động trong khuôn khổ Lễ công bố ghi danh “Lễ hội Đền Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Khai mạc Lễ hội Đền Đông Cuông năm 2023, ngày 2/2/2023 (tức 12 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Quần thể di tích lịch sử- văn hóa quốc gia Đền Đông Cuông, thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã diễn ra Lễ hội đền Đông Cuông năm 2023. Lễ hội được mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu và chư vị thần linh, với lệ từ xa xưa - đầu năm trâu trắng (ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng. Lễ mổ trâu trắng được cử hành vào giờ Tý - thời khắc đầu tiên của ngày Mão đầu năm. Trâu dùng để tế phải là trâu đực trắng, to khỏe, được tuyển chọn thật kỹ lưỡng từ nhiều ngày trước khi làm lễ. Tới giờ “thiêng” (thời khắc đầu tiên của ngày Mão), ông Mo bước từ cung cấm ra, cùng các trai đinh và dân bản cử hành làm lễ hiến sinh, cầu mong mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, cầu cho linh hồn các anh hùng đã hy sinh tại thác Ghềnh Ngai. Các công đoạn mổ trâu được tiến hành rất nhanh gọn, trong không gian thiêng và kín đáo. Sau đó, chủ lễ đem 12 chén tiết xuống bến sông hành lễ. Sau khi trâu trắng được làm sạch, theo hiệu lệnh của chiêng, trống, giai chay (các trai đinh) sẽ khiêng lễ vật (trâu trắng, để nguyên cả con) cùng với lòng, tiết vào gian chính của đền để bày lễ, tế trâu. Khi lễ vật đã chuẩn bị xong thầy Mo bắt đầu khấn thỉnh mời Thánh Mẫu, chư vị Thần linh về thụ hưởng. Kết thúc, thầy Mo xin âm - dương; sau khi xin được âm – dương xin cho phép hạ lễ để mang trâu xuống chế biến, chuẩn bị lễ cúng tế vào buổi sáng. Ngay sau khi kết thúc Lễ dâng chúc văn, nghi lễ rước Mẫu sang sông đã được thực hiện theo đúng nghi lễ truyền thống. Đây là một trong những lễ chính được mong chờ nhất trong Lễ hội đền Đông Cuông hàng năm. Đặc biệt, năm nay là năm đầu tiên kể từ 2017, nghi lễ rước Mẫu sang sông lại được tiến hành sau 5 năm gián đoạn do Đền trong thời gian trùng tu, tôn tạo và ảnh hưởng đại dịch Covid-19 lại cùng với Lễ vinh danh Lễ hội Đền là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên càng thu hút sự quan tâm đặc biệt của hàng vạn người dân và du khách thập phương. Nghi lễ rước Mẫu sang sông được thực hiện bởi thầy Mo làm lễ xin rước kiệu, giai chay lắp kiệu và thực hiện nghi lễ rước Mẫu sang sông. Đúng 8 giờ sáng nay, Lễ rước Mẫu qua sông được tiến hành tuần tự theo đúng nghi thức truyền thống trang nghiêm nhất của nhà đền. Thầy Mo và những người giúp việc trong trang phục truyền thống của người Tày Khao làm thủ tục sửa soạn những vận dụng cần thiết cho Mẫu.Sau đó sẽ tiến hành Lễ rước kiệu Mẫu (vua mẹ) từ Đền chính qua sông sang Miếu Đức Ông thăm Đức Ông, kiệu “Ông Báo” (vua con) đi tiếp sau kiệu Mẫu (vua mẹ). Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức Ông thì các thầy cúng cũng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đền vào đúng 10 giờ và cũng là lúc bắt đầu chính thức Lễ dâng hương tế Mẫu. Theo quan niệm của đồng bào Tày xã Đông Cuông và các vùng lân cận, nghi lễ rước Mẫu là hình thức tái hiện lễ cưới lại “của Mẫu với Đức Ông” mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức. Nghi lễ rước Mẫu sang sông đã để lại những ấn tượng đặc biệt đối với người dân và du khách tham dự. Sau Nghi lễ rước Mẫu sang sông là nghi lễ cúng chính tiệc truyền thống do ông Thủ từ và các đại biểu thực hiện tại Đền chính - Đền Đông Cuông. Tại Đền chính, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương, cầu mong những điều may mắn, hạnh phúc sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm. Kết thúc phần lễ, nhân dân và du khách sẽ cùng tham gia phần hội với các hoạt động thi đấu thể thao, trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, đu tiên, bịt mắt bắt vịt , ném còn… càng cho không khí Lễ hội thêm tưng bừng, náo nức. Là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng nổi tiếng, thu hút hàng vạn lượt du khách thập phương về hành hương, dự hội mỗi năm, cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống, đền Đông Cuông từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng bên dòng sông Hồng cũng là nơi bảo tồn, phát huy “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ” đã được UNESCO vinh danh. Sự kiện Lễ hội Đền Đông Cuông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là niềm tự hào, là động lực để huyện Văn Yên tiếp tục tạo sự đột phá về phát triển du lịch tâm linh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương vùng đất Mẫu./. Mỹ Vân – Lan Hanh – Ngọc Nghĩa – Vân Anh
Tin khác